9:15am Thứ Bảy ngày 29 tháng 5 năm 2021
Anh Trương thân quý,
Năm 2010 cách đây 11 năm Nhất Phương bất ngờ được tuyển chọn vào làm trong văn phòng kế toán của Công Ty De Well Logistics thuộc Thành Phố Compton, Los Angeles, California, không phải vì có chuyên môn về Logistics mà vì giỏi hai ngoại ngữ mà công ty mẹ ở Thượng Hải cần. Thời gian gần hai năm làm việc trong lãnh vực này, chỉ riêng Nhất Phương mỗi ngày nhận và trả lời không dưới 50 cuộc điện thoại nước ngoài, thường làm việc suốt đêm là chuyện thường, để giải quyết hồ sơ nhanh chóng đến nơi cần đến. Căng thẳng lắm nhưng vô cùng vui vì nhận ra khả năng quyết định nhanh chóng của mình, khi buộc phải giải quyết những vấn đề nan giải để "khách hàng là thượng đế" không giận dữ, hay lặng lẽ kết thúc hợp đồng mà không bảo gì nhau!
Anh Trương muốn thay đổi ngành hậu cần, muốn có bước đột phá hay bước ngoặt ( turning-point) để tạo uy tín và phát triển công ty của anh nói riêng, của ngành hậu cần tại Việt Nam nói chung, Nhất Phương nghĩ sẽ gặp nhiều thách thức trước những nhiều điều luật mang tính phép vua thua lệ làng liên quan đến xuất nhật cảng quota trong hoàn cảnh tại quê nhà.
Nhất Phương có nhận xét riêng về ngành hậu cần, có thể chia sẻ điều này qua một bài viết tỉ mỉ hơn về thời gian chỉ nhìn thấy con số, ký kiệu, không chỉ phải "straightforward," mà còn phải "outspoken," và phải lái xe cừ khôi giữa biển xe luôn tắc nghẽn và kẹt đường của tám nẻo xa lộ trên Compton, Los Angeles để kịp chuyển một Invoice cho bưu điện trước khi chuyến xe cuối cùng của họ ra phi trường. (Wait and see, my dearest brother Trương)
Đính kèm một vài ghi chép còn giữ thời chân ướt chân ráo bước vào Công Ty De Well Logistics
*
Hoàng Nhất Phương
8am Thứ Bảy ngày 29 tháng 5 năm 2021
Chảy Đi Sông Ơi!
_______________________________________
*
Rất nhiều khi tôi thấy lòng điệp trùng cưu mang những tâm tình của đáy sâu nội ngã. Những tâm tình ấy có thể là niềm vui, có thể là nỗi buồn, có thể là lời ước nguyện chập chờn vẫy gọi trên bến đời lẩn khuất giữa màn sương. Biết gọi tên cảm quan của trí tưởng là gì khi mình như khách phương xa, bỗng được trở về quê nhà đúng lúc:
“Chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ ở giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô tận. Con sông tựa như giật mình phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng đang mải mê suy nghĩ, chẳng cần mà cũng chẳng thèm biết đến xung quanh chộn rộn những gì…” [1]
Một đôi khi người ta không màng nhìn ngắm cuộc đời chung quanh, cứ mải miết đi như ngày tháng không chờ không đợi. Kịp đến một hôm “…Trời xanh ngăn ngắt…Ở bên kia sông có tiếng ai hát một bài rất lạ, tiếng hát thật buồn…chảy đi sông ơi…” [2]
"Tiếng hát thật buồn….! Chảy đi sông ơi" làm sống dậy từng hoài niệm đầy khói hương xưa tràn thân ái cũ về người thiếu phụ từ tâm độ lượng, đã từng nói rất dịu dàng: “…Đừng trách họ thế…Có ai yêu thương họ đâu…Họ đói mà ngu muội lắm…” [3]. Giữa cảnh đời nghiệt ngã thay vì lên án gắt gao cách sống ích kỷ tàn bạo của những kẻ chỉ biết có mình, người thiếu phụ ấy vẫn dư đầy tình cảm bao dung, và đã cố công gìn giữ "truyền thuyết huyễn hoặc về con trâu đen" [4] trong lòng cậu bé thật tin vào những điều kỳ diệu. Tiếc thay Thắm, người thiếu phụ chân tình ấy, lại chết đuối ở chính khúc sông chị đã từng cứu sống muôn người!
Trong vườn trí tưởng của tôi hay của ai đó luôn có một giòng sông tình yêu bất tận, giòng sông khơi nguồn từ lòng mẹ tha thiết yêu con. Thật vô cùng đau đớn nếu như mẹ đã qua đời khi ta còn quá nhỏ. Nên rất dễ hiểu tại sao “Khi Đăng hai tuổi, mẹ nó chết đột ngột vì sốt xuất huyết…” [5] đã tìm kiếm “tâm hồn mẹ” [6] qua hình ảnh của Thu, cô bạn học cũng chỉ bằng tuổi mình. Chuyện tưởng như đùa nhưng “…chuyện của trẻ con thì người lớn không nên cắt nghĩa vì lôgíc của trẻ con là lôgíc huyền thoại..” [7] Cứ thế Đăng “cảm thấy có sự lệ thuộc nào đấy vào bạn…” [8], dù cậu bé không nghĩ Thu có thể là mẹ. Nhưng “ông ngoại nó nói: 'mỗi người đàn bà đều có thiên tính người mẹ.' Thu có thể thành mẹ được không?” [9]
Thu có thể làm mẹ được chứ. Thu mặc nhiên nhận lãnh trách nhiệm cao cả làm mẹ của Đăng vì lòng yêu quý bạn, vì nguồn tình cảm trẻ thơ vô vụ lợi thuần khiết đậm đà trong lòng cô bé. Nguồn tình cảm trẻ thơ vô vụ lợi thuần khiết đậm đà ấy đã khiến Thu rất lém lỉnh, rất tinh nghịch khi nghĩ: “Mẹ thì được quyền giấu con những điều bí mật.” [10]. Và cô bé đáo để nói: “…Mày không biết đâu. Vì tao là mẹ…” [11]
Chuyến tàu điện đến bất ngờ như định mệnh muôn đời cay nghiệt, như “Phúc-Lộc-Thọ có nghĩa lý gì…” [12] khi vì cứu bạn, “cái con mẹ Thu nhãi ranh” [13] của Đăng đã bị “tàu điện cán gẫy nát chân…!” [14] Để từ đó “tiếng mẹ của nó như tiếng gió thổi ở ngoài đầu hồi.” [15]
Cõi người ta thật là cõi khổ khi cuộc sống đong đầy sầu muộn, sầu muộn riêng tư và sầu muộn chỉ vì đời. Ông “tướng về hưu” [16] trước cơ ngơi mênh mông bát ngát của con trai lại không cảm thấy cõi lòng thanh thản, lại đăm chiêu vì người vợ đã lẫn của ông bị cách ly với mọi sinh hoạt trong nhà. Ông tướng kinh hoàng khi biết con dâu của ông, một bác sĩ chuyên nạo thai, đã mang những mẩu thai nhi về nấu lên cho chó cho lợn ăn. Ông khóc, “ông cầm phích đá ném vào đàn chó bẹc-giê. “Khốn nạn, tao không cần sự giàu có này.” [17]
Ông tướng về hưu thấy lạ lẫm với cảnh nhà, thấy chướng quá vì con dâu lả lơi với trai. Ông nói với mọi người mà như nói với chính mình: “Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục. Tâm càng lớn, càng nhục.” [18]. Ông không chịu được những kiểu cách của cuộc sống đang bủa vây quanh ông. Sau đám tang vợ ông tự chuẩn bị cho chuyến đi xa cuối cùng của đời ông, khi thu dọn hành trang lên đường vào chiếc ba-lô quen thuộc. Ông về thăm đơn vị cũng có nghĩa là trở về với chính bản chất lý tưởng, tin yêu, đạo đức của ông, những điều ông cảm nhận đã bị đánh cắp khi nhìn ngắm xã hội dối trá, điên đảo bên ngoài. Suốt từng ấy tháng năm làm lính đối diện với chiến tranh, đối diện với cái chết, niềm tin trong lòng ông thủy chung son sắt. Ngày về hưu niềm tin thủy chung son sắt bỗng lụn tàn. Ông hoài nghi lý tưởng hoài nghi lề thói gia đình. Ông đớn đau trong nỗi nghĩ: Ông là người cả tin đã đánh mất tất cả, khi đem cuộc đời ra chơi ván bài định mệnh với thế sự thăng trầm!
Niềm vui, nỗi buồn, và cả đôi điều nguyện ước của tôi cơ hồ lướt đi trong ngậm ngùi thống khổ khi tôi chợt nhận ra: Ở tận sông Hồng từng bước đường cùng của con người, được phơi bày rất hiện thực qua bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp. Là nhà giáo đồng thời cũng là một nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã bị gán cho chiêu bài phản động, khi ngòi bút sắc bén của ông miêu tả rõ rệt khát vọng tìm kiếm đường về thượng trí của những tâm hồn chính trực-nhân hậu, đang bị vây hãm trong vũng lầy tăm tối của chủ nghĩa vô thần. Đọc “Chảy Đi Sông Ơi” để cùng khóc cùng than với nỗi lòng của từng nhân vật được minh họa tài tình qua giọng văn truyền cảm, sống động của Nguyễn Huy Thiệp. Hay là để cảm thương thân phận cùng khốn, kiếp người lao lung của chính tác giả?
Đêm về sương khói chiêm bao. Đường xưa lối cũ bến nào trăng soi. Để “Chảy Đi Sông Ơi” tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, khi ông thinh lặng hát bài ca sinh ký tử quy từ giã cõi đời vào ngày 20 tháng 3 năm 2021.
*
Hoàng Nhất Phương
11:30pm Thứ Bảy ngày 20 tháng 3 năm 2021
________________________________________________
**. Trích từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:
*. CHẢY ĐI SÔNG ƠI
[1] Trang 7-8; (2) & (3) Trang 15; [4] Trang 8.
*.TÂM HỒN MẸ
[5] & [6] Trang 19; [7] Trang 26; [8] & [9]Trang 23.
[10] & [11] Trang 25; [12] & [13] Trang 26; [14] & [15] Trang 27.
*.TƯỚNG VỀ HƯU
[16] Trang 29; [17] Trang 37; [18] Trang 44.
Mừng Tám Tháng Ba
*
Tác Giả: Lê Vĩnh Trương
_____________________________________________
*
Tôi còn nhớ những ngày mùa xuân hai ba mươi năm trước. Mấy anh em chúng tôi đến trường trên con đường Yersin nối Sóc Trăng với Bảy Xào và đi qua ngõ để vào nhà, ven rào đầy hoa bìm bịp màu tím. Chúng tôi đi học về rồi mà có khi đến chiều tối mẹ đi dạy học vẫn chưa về; rồi sau này là đi mua hàng từ Lịch Hội Thượng, Bạc Liên, Cần Thơ về Sóc Trăng bán lại, hoặc mang hàng từ Sóc Trăng đi các nơi khác để bỏ mối, cũng vẫn còn ngoài chợ chưa về…
Những năm 1980, buôn bán như vậy là rất rủi ro. Ngoài chuyện dậy sớm cho kịp các chuyến xe ban mai, đeo bám sau xe đầy người và trên mui là những đống hầm bà lằng từ dép nhựa cho đến gà, heo, đinh, cây gỗ…, một nỗi lo nữa là quản lý thị trường và thuế vụ. Những con người này luôn tìm cách để bắt, tịch thu, chia phần trăm, sỉ nhục, làm nản lòng những tiểu thương đang làm công việc cân bằng thị trường và kiếm chút tiền đong gạo. Các trại Sầm Hương, Trà Men, Đầu Sấu, Tân Hương khét tiếng một thời về sau đã bị bãi bỏ vì lý do chúng đã ngăn sông cấm chợ, ngăn cản sự lưu thông tự nhiên của hàng hóa và may mắn thay, việc bãi bỏ các trạm đó sau năm 1986 cũng đã giải tán những con người nhẫn tâm ấy.
Có những lần mẹ về nhà và nói họ đã tịch thu hết rồi. Chúng tôi tự khắc biết rằng gia đình sẽ phải khốn đốn trong một thời gian. Có một ngày tám tháng ba quốc tế phụ nữ như vậy đấy. Cái loa phát thanh thì biểu dương phụ nữ ba đảm đang, giỏi giang. Thảm cảnh trước mặt không có gì để ăn hiển hiện, còn người phụ nữ có trọng trách nuôi chồng con đã được đời lạnh lùng tước hết vốn liếng làm sinh kế. Chiều 8/3 đó, hai đứa em tôi đã ngắt lấy mấy cụm bìm bịp tím ven đường, mang về và nói cô giáo bảo đem tặng mẹ. Mẹ tôi rất vui và kể mãi về sự hồn nhiên của con mình đến sau này. Riêng tôi thì khi đó đã nhận ra sự trớ trêu của cuộc sống; còn nhớ tôi đã so sánh mình với Nguyên Hồng, ước gì nếu những tai ương giáng lên đầu những người như chúng tôi là một mẩu gỗ, thì tôi đã tìm cách chẻ nhỏ nó ra thành ngàn mảnh.
Thị xã vẫn đẹp, trời vẫn xanh trong nhưng buồn lặng lẽ và nhẫn nhục.
Ngày phụ nữ năm nay, tôi viết ít dòng này để kính tặng Cha Mẹ tôi, những người đã trải qua một thời gian sống với những ngược ngạo mà vẫn can đảm dẫn dắt anh em tôi vượt lên, có lẽ một phần cũng nhờ tựa vào sự hồn hậu của những cánh hoa tháng ba rười rượi mà ấm lòng của ngày đã qua.
*
Lê Vĩnh Trương
Sông Dinh 2011
https://youtu.be/fA868qjnJPo
Quo Vadis
______________________________________
“Quo Vadis,” tác phẩm văn học cổ điển Ba Lan của Henryk Sienkievich, đoạt Giải Nobel 1905. Dịch giả: Nguyễn Hữu Dũng. Nhà sách Văn Học phát hành.
Tập II, chương LXX của bản dịch kể chuyện ông Piotr ( =Thánh Phêrô) đi trên đường Appia, về phía vùng đồng bằng Kampania. Ông rời bỏ những tín đồ đã quá đỗi mệt mỏi ở nơi đó. Ông đi trốn sự săn đuổi bắt giết của bạo chúa Nero. Nhưng ông lại gặp Chúa Jésus đi vào thành. Ông thảng thốt kêu:
“-Quo vadis, Domine ?... Lạy Đức Chúa, Người đi đâu..?"
Chúa Jesus trả lời:
“- Vì ông rời bỏ dân ta, ta phải đến Rô-ma để cho người ta lại đóng đinh ta lên cây thập tự lần thứ hai.”
Sứ đồ Pior khóc lóc, nằm lăn ra đất, không động đậy, không nói một lời. Ông vùng đứng dậy đi về phía bảy ngọn đồi của thành đô La Mã. Người tiểu đồng lập lại như một tiếng vang:
“-Quo vadis, Domine...? Thưa Thầy, Thầy đi đâu”
Sứ đồ khẽ đáp: “Về Rô-ma.”
Tại đây ông đã chịu đóng đinh ngược trên cây thập tự. Đã tử vì đạo. Ông chết để bảo toàn niềm tin và công lý.
Phải chăng những anh chị em của tôi trong thế giới đầy tao loạn bất công hiện nay cũng giống như sứ đồ Pior thuở xưa đã nhìn thấy Chúa Jésus, họ đã hỏi: “Quo vadis, Domine?...Lạy Đức Chúa, Người đi đâu?...”
Và Chúa Jésus trả lời như ngày xưa: Ngài đi chịu đóng đinh trên thập tự một lần nữa! Vì nghe Chúa nói như vậy, họ vui lòng đón nhận sự giam cầm, và chịu bị ngược đãi. Những giòng nước mắt thi nhau chảy ngược vào lòng anh, vào lòng chị, vào lòng tôi. Chúng ta đau đớn và chua xót. Đau đớn vì cảm thương cảnh tù tội của anh chị em mình. Chua xót vì tại sao cho đến bây giờ, khi thế giới ca ngợi hòa bình, tự do, công chính, thì ngay tại quê hương, và ở rất nhiều nơi khác như Myanmar, như Tân Cương, như Hong Kong,những người anh chị em của chúng ta nói lên tiếng nói của đức tin-tự do-hoà bình-công lý lại phải ngồi tù?
Nên anh /chị đừng hỏi: ...Thuở xưa và bây giờ cũng vậy trong những lãnh vực chuyên môn tôi ở trên hàng triệu triệu vạn người vì sao lại lui vào cô tịch, sống ẩn dật, thinh lặng trước những lời khen chê, trước những mối giao tình khi đầy khi vơi khi nóng khi lạnh, thậm chí có cả sự hời hợt, phũ phàng vờ như không biết của những người xưa rất thân quen...! Tôi có buồn không? Có chứ! Cho dẫu cao sang hiển hách thành công đến đâu chăng nữa tôi cũng chỉ là người, lại là người thiên về văn chương nghệ thuật, tất nhiên sự nhạy cảm và sự chạnh lòng cũng nhiều hơn ai đó! Nhưng tôi thinh lặng vượt qua tất cả bởi vì tôi biết rất rõ: Những điều vì bất cứ lý do gì mà tôi phải gánh chịu, phải bị hàm oan, phải chịu sự phũ phàng của người khác không là gì cả, so với những người khốn khổ trên cõi đời này. Trong khả năng của mình tôi chỉ biết thắp lên một ngọn nến, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối. Ngọn nến trong lòng tôi rất nhiều khi mong manh phiêu hốt, tưởng chừng phụt tắt trước giông bão cuộc dời. Nhưng lạ thay cho đến bây giờ ánh lửa đơn dộc ấy mãi mãi kiên cường rực sáng.
Đường mây rộng phượng hoàng bay. Sao ta đứng lại buồn day dứt lòng! Anh / Chị cũng như tôi không thể nào vui khi chúng ta biết rất rõ những người anh chị em của mình đang bị khốn khó trong cảnh tù tội, chỉ vì họ muốn bảo vệ đức tin, chỉ vì họ muốn tìm miếng cơm manh áo, chỉ vì họ muốn sống đúng nghĩa là NGƯỜI, chỉ vì họ muốn thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối. Chúng ta và tôi cũng vô cùng đau khổ khi có ai đó nói với mình rằng: Ở đâu đó trên cõi đời này có những người nói tiếng quê bạn lại "làm gái." [*] Lời nói như dao sắc kim nhọn đâm thấu vào trái tim của chúng ta. Có lẽ chúng ta chỉ khác nhau khi lựa chọn một phương cách để thực thi lời tâm nguyện: Thương người như thể thương thân.
Những lúc quá buồn trong thinh lặng tôi đọc lại quyển sách “ Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá" là sứ điệp trong lao tù của Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận, thinh lặng để giòng nước mắt chảy, thinh lặng lau nước mắt cho chính mình, rồi an nhiên đứng lên tiếp tục đi trên con đường tôi đã chọn.
Cuộc đời của Đức Cố Hồng Y Phaxicô Xavier - vị mục tử thánh thiện, tài ba, lỗi lạc này là những thước phim sống thực, gây cảm hứng cho hàng muôn muôn triệu trái tim, đang đi trong cuộc lữ hành vì niềm tin-cậy-mến ở chốn khách đầy này. Tôi tin rằng bất cứ ai dù là Ki Tô Hữu hay không, tất cả đều biết: Sinh thời Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận hết lòng yêu thương thanh thiếu niên, và những người sa cơ lỡ bước. Mọi người cũng biết rằng: Không có sự cầm tù nghiệt ngã nào của thế tục, mà Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận chưa trải nghiệm. Nhưng ngài đã vượt qua tất cả, đã trở thành nhân chứng sống thực cho niềm tin yêu hy vọng vào ánh sáng chân lý trong thinh lặng và cầu nguyện
Bây giờ tôi cũng vậy. Tôi thinh lặng làm tất cả những gì tôi biết rằng tốt cho những người anh chị em đau khổ của tôi. Trong khi chia sẻ nỗi đau khổ của họ, nỗi đau khổ của riêng tôi trước thế thái nhân tình dường như không còn nữa.
“ Sống Phúc Âm-Sống Giây Phút Hiện Tại.” Đức Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận đã nói như vậy. Ước mong tình yêu và đức tin của ngài gửi gấm trong sứ điệp lao tù “Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá” sẽ lau sạch nước mắt cho tôi, cũng như cho tất cả những người đau khổ trên cõi đời này.
*
Hoàng Nhất Phương
Temps de la Passion 2021
3:10am Thứ Hai ngày 08 tháng 03 năm 2021
_________________________________
[*].Bản tin trong Facebook của anh Lê Vĩnh Trương
https://www.facebook.com/levinhtruongvn
https://www.facebook.com/levinhtruongvn/posts/10222202989977685
Hay trong: Le Vinh Truong 
https://www.livenguide.com/status/20601-le-vinh-truong.html#status-20601
Genji - Chuyện Tình Ngàn Năm
______________________________________________________
“I think it's good to be free and to have sex with any one. Tôi nghĩ là rất tốt nếu được tự do và tư tình với bất cứ ai.'”
Lời phát biểu đầy tính luyến ái lãng mạn này không phải là tuyên ngôn của những người theo chủ thuyết phong tình, cũng không phải là cách nói của những ai yêu cuồng sống vội, mà chính là tư duy của Ni Sư Jakucho Setouchi, một nữ tu Phật Giáo đã ở vào tuổi thấp thập cổ lai hy. Thật khó tưởng tượng người đã cúng dường Tam Bảo thệ phát quy y lại có những tâm tình đầy hệ lụy, đầy thất tình lục dục như Ni Sư Setouchi…Nếu đặt câu nói trên dưới cái nhìn hạn hẹp đầy thành kiến khắt khe, có vẻ như vị nữ tu này lòng trần chưa dứt, vẫn trầm luân trong dây oan của chữ Tình. Nào phải đâu là lụy tình chưa dứt. Ni Sư Setouchi muốn lấy quán tưởng thiền định, để trình bày cảm quan riêng của bà về tác phẩm văn học cổ điển lừng danh của Nhật Bản “Tale of Genji.”
Là nhà Phật Học có kiến thức uyên bác về văn chương có biệt tài trong việc chuyển dịch ngôn ngữ cổ của Nhật Bản sang câu chữ đơn giản hiện đại, vị nữ tu học giả đã đưa dân xứ Phù Tang trở về với “Genji, Chuyện Tình Ngàn Năm,” khi biên soạn tác phẩm thành một bản dịch 10 tập bằng lối văn trong sáng, truyền cảm mà vẫn không làm mất đi phần lả lướt, đa tình của nguyên bản. Trên nhật báo Kyoto Journal, nhà báo Nicholas Donabet Kristof đã viết về “Tale of Genji” của Ni Sư Setouchi như sau:
“As Japanese heroes go, he is an unusual one. He never wore a tie, never got a job, and after seducing his stepmother when he was a teen-ager he had a string of affairs with women who included his own adopted daughter.
But Prince Genji is a central figure in Japanese culture, and he never had a wit of trouble with the law -- perhaps in part because he never existed. He was the title character in ''Tale of Genji,'' the nearly 1,000-year-old love story that is sometimes described as the world's first novel and is usually considered Japan's greatest literary achievement.” [*]
“Như các anh hùng khởi phát Nhật Bản Genji là nhân vật khác thường. Ông không đeo cà vạt, không bao giờ có công ăn việc làm; sau khi quyến rũ bà mẹ kế khi hãy còn là thiếu niên, ông dan díu với hàng loạt phụ nữ trong đó có cả con gái nuôi của mình.
Tuy nhiên Hoàng Tử Genji là biểu tượng cốt lõi trong văn hóa Nhật Bản, ông không bao giờ gặp bất cứ rắc rối nào với pháp luật - có lẽ một phần vì ông không hề tồn tại.
Ông là nhân vật chính trong quyển “Truyện Genji,” câu chuyện tình gần 1.000 năm tuổi, quyển sách đôi khi được mô tả như tác phẩm đầu tiên của thế giới, và là thành quả văn chương ltuyệt vời nhất của Nhật Bản…”
Dưới lăng kính của lịch sử văn học “Genji” là tác phẩm kinh điển, vì đã xuất hiện trong buổi bình minh của nhân loại. Nhân vật Genji là biểu tượng của những người đàn ông -giai cấp chủ nhân- của xã hội Nhật Bản đầu thế kỷ thứ 11. Công Nương Shikibu Murasaki -tác giả “Truyện Genji”- là sương phụ thuộc tầng lớp quý tộc, người có trách nhiệm cai quản nội cung cho Hoàng Hậu, cũng từng chiếm được lòng yêu quý nơi phụ thân của bậc mẫu nghi thiên hạ dù bà không chủ tâm. Chính điều này thôi thúc bà sáng tạo ra nhân vật Genji, mẫu số chung của các đấng mày râu thuở ấy. Đọc “Truyện Genji,” độc giả bắt gặp nỗi buồn, niềm vui, lòng ghen tương, tính ích kỷ, sự thù hận, và đôi khi có cả âm mưu thâm độc của kẻ này đối với người kia chỉ vì một chữ Tình. Ai người trước đã qua. Ai người sau sẽ đến. Bất luận ở niên đại nào, cõi người ta cũng dư đầy đau khổ…vì tình yêu! Sao có thể không khóc được khi tình yêu bị đánh cắp, khi người tình bỏ ta đi…?!
Ni Sư Setouchi đứng trên quan điểm của phụ nữ, khi bà nhận định tác phẩm “Genji” phản ánh tâm tình và khát vọng mãnh liệt muốn kình chống lại định mệnh u buồn, hoàn cảnh bất lực của phụ nữ trong bối cảnh xã hội Nhật Bản của những năm đầu thế kỷ 11. Bà khen ngợi Công Nương Murasaki đã đi trước thời đại, khi gióng hồi chuông cảnh tỉnh xã hội nói chung, giới đàn ông nói riêng, về sự ngược đãi mà xã hội và đàn ông đã áp đặt lên số phận của người phụ nữ, ngay cả trong lãnh vực tình cảm. Vì lòng ngưỡng mộ Công Nương Murasaki. Vì muốn làm cây cầu nối liền tình tự ngàn xưa của một nước Nhật trong quá khứ với một nước Nhật tiền tiến hiện tại, sau những giờ công phu thiền định trước Phật Đài, Ni Sư Setouchi đã để tâm huyết và thời gian còn lại vào việc chuyển dịch, san định tác phẩm “Truyện Genji, ” để vừa làm sống dậy bản chất đích thực của tình yêu, vừa giúp cho xã hội Nhật tiến vào tương lai mà vẫn không quên quá khứ. Đây chính là nỗi lo ngại của ni sư Setouchi, của cư dân xứ Hoa Anh Đào trước nguy cơ quá khứ bị chôn vùi trong những cơn biến động của trào lưu mới.
Bà Janine Beichman, giáo sư Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về nền văn học Nhật Bản tại Đại Học Daito Bunka, Tokyo, nhận định rằng: Bản dịch tác phẩm “Truyện Genji” gồm 10 tập đã trở thành quyển sách có con số thương mại đáng kinh ngạc, nhờ chiều kích tuyệt vời của nguyên tác và nhờ danh tiếng của Ni Sư Setouchi.
Nếu có dịp đến Nhật Bản ghé thăm kiểng chùa Tenda-ji thanh tịnh đầy kỳ hoa dị thảo của Ni Sư Jakucho Setouchi, du khách mặc nhiên nhìn thấy vị ni sư đạo hạnh, lịch lãm, uyên bác đã ủng hộ tinh thần Về Nguồn của Nhật Bản khi chuyển dịch tác phẩm “Truyện Genji,” và khi nhận định:
'"Men are very free now to have girlfriends, and women to have boyfriends, and it's getting back to the way it was in Genji's time"
"Bây giờ đàn ông tự do có bạn gái, phụ nữ có bạn trai, cõi người ta đang trở về con đường xưa đã từng có trong thời đại Genji." [**]
*
Hoàng Nhất Phương
4:10am Chủ Nhật ngày 10 tháng 04 năm 2011
***
[*]. Trích từ Kyoto Journal: “The Nun's Best Seller: 1.000-Year-Old Love Story” của Nicholas Donabet Kristof.
[**]. My old article.Time flies.Ten years.HNP
Mười Hai Tháng
____________________________________________________
Mười hai tháng của cuộc đời không nói ra ai cũng biết, được biểu trưng bằng những con số: 1.2.3.4.5.6.7.8.9.10.11.12. Những con số đơn giản bình thường ấy đã cưu mang biết bao biến chuyển, biết bao thay đổi có trong thời gian, có trong định mệnh của mỗi một phận người.
Khi xưa ta bé mười hai tháng của cuộc đời là huyền thoại.
Năm lên sáu tuổi tôi bắt đầu dùng bút mực ghi lại những điều xảy ra ở chung quanh. Tôi vẫn nhớ như in những giòng nhật ký đầu tiên tôi nắn nót viết: “Cuộc đời là đồi cỏ non, là hoa tươi thắm, là hàng thông xanh, là mây trắng bay, là giòng suối nhạc. …” Hình ảnh cuộc đời có từ nét chấm phá đơn sơ của thời thơ ấu tưởng sẽ phai nhòa theo thời gian, không ngờ luôn nhịp bước song hành với tôi .
Đồi cỏ xanh là nơi đã ghi nhận biết bao buồn vui của riêng tôi. Thời thơ ấu hồn nhiên tôi thường để mình lăn từ trên đỉnh dốc xuống tận chân đồi. Vừa đi vừa ca hát vừa đi vừa nhảy múa là tôi. Đời đẹp như ngàn hoa luôn ngát hương. Thời niên thiếu u buồn khi cảm nhận những tổn thất lớn lao không gì có thể bù đắp được của gia đình, khi cha tôi được cho là đã qua đời trong bốn bức tường nghiệt ngã của một nhà giam nào đó mà chúng tôi không hề biết. Thời thanh xuân lặng thầm khép kín. Ngoài sách vở trường học tôi không quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Lòng tôi tĩnh lặng thẳm sâu như đáy biển, không ai có thể biết trong đó chứa đựng những điều gì. Tôi đi bên cạnh cuộc đời ghi nhớ tất cả những điều xảy ra trong hoàn cảnh sống, ghi nhớ tất cả những người vì chữ duyên này hay chữ duyên khác tôi đã gặp họ trên từng ngả ba, ngả tư, ngả năm, ngả sáu của những cây số đời tại cố hương.
Đã có một Tháng Sáu nằm trong nười hai tháng thân quen chuyển biến khác biệt. Tháng Sáu Năm 1996 tôi từ giã Thành Đô Đa Lạt, từ giã gia đình, từ giã nhà trường, một mình lên máy bay bắt đầu con đường thiên lý xa vời của tôi.. Lúc phi cơ chuẩn bị lăn trên đường băng cô tiếp viên của Hàng Không Nhật Bản nói với hành khách trong đó có tôi rằng: "Phi hành đoàn của Hàng Không Nhật Bản kính chào quý khách. Chúng tôi sẽ bay một vòng quanh Thủ Đô Sài Gòn trước khi bắt đầu thẳng đường đến Osaka, Nhật Bản. Kính chúc quý khách một chuyến bay như ý nguyện. Cảm ơn quý khách đã chọn Hàng Không Nhật Bản." Cô tiếp viên hàng không vừa dứt lời, mưa từ trời cao tuôn đổ. Máy bay cất cánh rời phi đạo giữa màn mưa. Tôi ngồi ngay cửa sổ nhìn ra ngoài không gian mênh mông tối. Ánh chớp lập lòe trên trời soi tường những mái nhà âm thầm kề cận bên nhau. Tôi cũng chẳng thấy rõ điều gì, vì nước mắt tuôn chảy như mưa. Ban nãy khi bước vào phòng cách ly cúi chào mẹ, chào anh chị còn ở lại, tôi thật bình thản an nhiên. Bây giờ ở giữa những hành khách cùng chuyến bay, ở giữa trời đêm mưa như thác đổ, tôi lại khóc như chưa bao giờ khóc. Bởi vì tôi biết: Có thể tôi không bao giờ có dịp trở về !
Tôi nhìn đồng hồ: Mười hai giờ đêm Ngày 13 Tháng Sáu Năm 1996.
Hàng Không Nhật Bản cất cánh đưa tôi rời xa khung trời quê hương.
Từ đó Ngày 13 Tháng Sáu Năm 1996 trở thành cột mốc đặc biệt của thời gian. Để tôi hôm nay nhìn lại giòng sống đã qua, tưởng như vừa thức dậy từ đại mộng.
Biết bao nỗi buồn niềm vui có trong suốt những ngày sống nơi xứ sở mới. Nghĩ đến nỗi buồn lòng rưng rưng lệ. Nghĩ đến niềm vui lòng cũng rưng rưng lệ. Khởi từ Tháng Sáu xa xưa đã 25 năm thinh lặng qua đi. Tôi đã đi biết bao truông dài trên con đường thiên lý xa vời tự chọn, khi dịnh cư tại Hoa Kỳ. Những con đường xa lộ. Những ngả rẽ bên phải hay bên trái của lối vào freeway của lối ra phố thị trên quê hương thứ hai này, không còn có thể làm khó được tôi. Tôi có thể lái xe đi xa từ tiểu bang này sang tiểu bang khác. Có những nơi tôi ghé thăm bằng tâm tình du khách. Có những nơi tôi cư ngụ lâu dài ba bốn năm chẳng hạn, để có thêm một “home state," để lòng thiết thân gọi nơi ấy là quê nhà.
Sẽ còn nữa hay không những đổi thay những chuyển biến trong đời sống của tôi. Như phương trình có nhiều ẩn số, câu hỏi này mặc nhiên cũng cất giấu không ít câu trả lời. Hỏi để hỏi mà thôi bởi vì từ khi nói lời tạm biệt với Thành Đô Đa Lạt - nơi chôn nhau cắt rốn- tôi đã chấp nhận những chuyến đi không ngưng nghỉ của đời mình.
Trong thinh lặng tôi ngắm nhìn mười hai con số, biểu trưng cho mười hai tháng của cuộc đời bằng nụ cười an nhiên tự tại. Vì tôi cảm nghiệm tháng năm cưu mang duyên phận của tôi với cuộc đời này. Là duyên phận nên dẫu ngày tháng năm rất buồn rất đơn độc hay ngày tháng năm thật vui vẻ thật bình an, tôi luôn luôn đón nhận với cả tâm tình.
Như bây giờ tôi tiếp tục viết để ghi lại từng cảm quan riêng, có trong mười hai tháng của cuộc đời.
*
Hoàng Nhất Phương
2am Thứ Sáu ngày 12 tháng 02 năm 2021